Napoleon Hill - một trong những người có ảnh hưởng rộng rãi và mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực phát triển bản thân, tác giả của cuốn sách “Think and Grow rich” từng nhận định rằng: “Trí tuệ không có giới hạn, trừ những giới hạn do ta chấp nhận.”
“Trí tuệ là bẩm sinh hay do luyện tập?” dường như luôn là một mối quan tâm, một chủ đề nghiên cứu trong hàng thế kỷ của con người. Bởi trí tuệ có thể được coi như một sức mạnh tiềm ẩn mang con người đến gần những hiểu biết về thế giới, về chính mình, cũng như những tiến bộ trong khoa học công nghệ nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung. Trước khi bàn đến “siêu trí tuệ”, chúng ta nên hiểu “trí tuệ” là gì?
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, mức độ phủ sóng và lan truyền của Internet, con người hiện nay hoàn toàn có thể tự học, tìm tòi, nghiên cứu và lĩnh hội kiến thức dễ dàng. Những điều chúng ta gom nhặt được và ghi nhớ có thể được coi là một dạng tri thức, tuy nhiên chưa phải là trí tuệ. Đã có nhiều học thuyết, nhiều nghiên cứu liên quan đến trí tuệ, như thuyết “Đa trí tuệ” của Tiến sĩ Howard Gardner – một nhà tâm lý học kiêm giáo sư khoa học thần kinh tại Đại học Harvard. Trong đó ông chỉ ra, có 8 loại trí tuệ phản ánh các cách tương tác đa dạng với thế giới quan, bao gồm: trí thông minh về không gian; âm nhạc; ngôn ngữ; sự vận động; giao tiếp; toán học; nội tâm; khoa học tự nhiên.
Nhưng nhìn chung, có thể nói đa phần mọi người chấp nhận ý tưởng rằng trí tuệ được chia ra nhiều mảng, đồng thời có thể phân loại thành trí tuệ bản năng và trí tuệ do luyện tập. Như một người được sinh ra có chỉ số IQ cao là một người mang trí tuệ bản năng lớn. Người đó có thể có lợi thế trong việc tiếp thu một cách nhanh nhạy cùng sự logic và trí thông minh bẩm sinh.
Tuy vậy, kiểu người thiên tài này lại chiếm phần hiếm trên thế giới, chúng ta- đa phần là những người bình thường, chủ yếu có dạng trí tuệ do luyện tập. Chính nhờ sự luyện tập mà trí tuệ được trau dồi và có thể phát triển một cách thăng hoa. Một người, dù sở hữu trí tuệ bản năng ở mức nào, cũng đều đáng được trân trọng, công nhận thêm bởi sự nỗ lực và khả năng phát triển bản thân. Sự thông minh - khả năng thiên phú khi được sinh ra sẽ chỉ là một điều kiện cần bên cạnh việc rèn luyện đầu óc thông qua suy nghĩ, trải nghiệm để hình thành trí tuệ của một cá nhân.
Đa phần các thí sinh Siêu trí tuệ Việt Nam đều cho rằng năng lực trời phú chỉ chiếm khoảng 1 đến 10%, còn lại đều phải do rèn luyện. Khái niệm “thiên tài” hay “siêu trí tuệ” giờ đây không chỉ được nhìn nhận bởi sự thông minh của một cá nhân mà còn trân trọng cả sự nỗ lực, bền bỉ, tính kỷ luật và đam mê. Chỉ khi như vậy, trí tuệ mới có thể thực sự là sức mạnh tiềm tàng của mỗi người.
Vậy làm thế nào để rèn luyện trí tuệ, làm sao để khiến những tri thức thực sự là của mình, trở thành người sở hữu “siêu trí tuệ”? Sau đây là một số gợi ý để chúng ta tránh biến trí óc của mình trở thành “một chú ngựa già nua”:
- Cho phép bản thân trải nghiệm những thử thách mới
Những thử thách mới sẽ kéo con người ra khỏi vùng an toàn quen thuộc, đồng thời thách thức những tri thức, niềm tin sẵn có. Khi đó, trí não trở nên sắc bén hơn và có cơ hội rèn luyện để nhìn nhận một cách đa chiều. Bạn có thể phân tích một sự vật, hiện tượng từ nhiều góc độ khác nhau và tự rút ra những bài học, kinh nghiệm mới áp dụng trong cuộc sống.
2. Luyện tập, luyện tập và luyện tập:
Chắc hẳn bạn đã nghe câu “Luyện tập tạo nên sự hoàn hảo”. Và dù mang trí tuệ bản năng ở mức nào, chúng ta vẫn cần sự luyện tập một cách bền bỉ để trở thành một chuyên gia ở lĩnh vực nào đó. Việc luyện tập sẽ giúp hình thành một kết nối bền vững ở trong não bộ cũng như tăng cường kỹ năng học hỏi và rèn luyện trí nhớ.
3. Quản trị cảm xúc
“Trí tuệ của con người được kéo giãn bởi ý tưởng hay cảm xúc mới, và không bao giờ thu hẹp lại về kích cỡ cũ.” theo Oliver Wendell Holmes. Nhưng đôi khi những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực sẽ gây ảnh hưởng đến trí tuệ của bản thân. Khi nhìn nhận và phân tích một vấn đề, hãy dành chút thời gian bình tâm, tranh để cái nhìn của mình bị ảnh hưởng bởi cảm xúc và khách quan nhất có thể.
4. Không ngừng học hỏi với một tâm trí mở
Thế giới không ngừng vận động và phát triển, một kiến thức bạn biết bây giờ có thể sẽ rất nhanh trở nên lạc hậu. Bởi vậy, một trí tuệ siêu phàm đôi khi chỉ xuất phát từ một ý tưởng dường như rất cơ bản rằng ta cần sống với một thái độ sẵn sàng và không ngừng học hỏi cái mới. Thái độ cầu tiến, tìm tòi, học hỏi với một tâm trí rộng mở sẽ là một trong các bước đầu tiên và quan trọng nhất để những trải nghiệm trôi qua trở thành món quà tinh thần chất lượng không chỉ với trí tuệ mà còn với đời sống của mỗi người.
Và còn rất nhiều các phương cách khác phù hợp với từng người trong quá trình rèn luyện trí tuệ cũng như phát triển bản thân, khi đó “Cánh cửa của trí tuệ không bao giờ đóng lại” (Benjamin Franklin). Sự bền bỉ, nỗ lực không ngừng sẽ mang đến trí tuệ, hình thành sức mạnh và giúp con người khám phá những tiềm năng của chính mình. Bản lĩnh không gì hơn là sự kết hợp của trí tuệ, kinh nghiệm, đam mê trong sự bền bỉ và hành động một cách kiên nhẫn.